Con sợ thời gian trôi đi sẽ quên mất những điều xưa cũ nhưng những hồi ức đó cứ theo con lớn từng ngày. Con còn nhớ, mùa hè năm đó cha và mẹ đạp xe đi khắp nơi để tìm lại đồng đội của mình, tìm lại những nhân chứng và tài liệu để chứng minh cho việc cha bị thương trên chiến trường. Quảng Trị những năm 72-73 thật gian khổ và ác liệt nhất, việc sống còn đã là một may mắn nói gì đến giữ lại được hồ sơ của tiểu đội.
Vậy nên, để nhận được cái thẻ thương binh là cả một hành trình vất vả mà không ít lần cha đã muốn bỏ cuộc. Cha làm không phải để mong được xã hội công nhận, cũng chẳng phải để được mỗi tháng vài ba trăm ngàn mà vì chúng con, vì mẹ luôn nói với cha “Cố gắng làm để cho chị em con đi học đỡ vất vả hơn”. Vậy mà đến cuối cùng chút quyền lợi ít ỏi đó cha cũng chẳng kịp hưởng.
Hai tháng, khoảng thời gian ấy chẳng đủ để con kịp lớn và hiểu sự mong manh của số phận. Con chẳng biết căn bệnh đó sẽ đưa cha đi, sẽ khiến cho cha chẳng thể đi lại và ăn uống, nói cười như những người bình thường. Mãi đến khi mẹ nói cho chúng con biết thì cha đã yếu lắm rồi. Mỗi lần nhìn cha chống chọi với cơn đau là chị em con lại trốn sau nhà khóc. Chúng con sợ cha nhìn thấy, sợ cha đau lòng và sợ mẹ mắng vì mẹ luôn dặn chúng con phải mạnh mẽ trước mặt cha, phải để cha yên tâm chữa bệnh.
>> Xem thêm về tam su gia dinh
Con chẳng thể làm được mỗi khi nhìn cha khó nhọc nuốt từng thìa cháo và nói từng lời căn dặn chúng con. Giá như sáu chị em con có thể đau thay cha thì mỗi đứa chịu một chút, giá như nhà mình khá hơn, giá như chúng con lớn hơn có lẽ cha sẽ bớt đau hơn, có thể sống với chúng con thêm một ngày, hai ngày, sáu tháng hay một năm nữa. Vậy mà sau đêm giao thừa năm ấy, sau những lời dặn dò và gửi gắm mọi người chăm sóc cho bà, mẹ và chị em con thì cha đã ra đi, nhẹ nhàng và thanh thản như chính những năm tháng cha đã sống.
Những ngày sau ấy, con bắt đầu hiểu cảm giác mất đi một người, cảm giác tủi thân khi người ta nhìn chúng con với ánh mắt thương hại và coi thường. Con chỉ muốn được ngồi sau lưng cha đi về giữa trời mưa, một mảnh áo mưa nhỏ, chẳng đủ che cho con nhưng nó vẫn ấm áp đến lạ thường. Bạn bè con ngày ấy đã có xe máy đưa đi học, còn con vẫn là một chiếc xe đạp cũ kỹ chẳng có tên hiệu gì nhưng đó là chiếc xe bao lần cha chở con đi ôn, đi thi, đi lãnh thưởng từ chỗ này đến chỗ khác. Đó là chiếc xe gắn bó với những năm tháng ấu thơ trong con.
Có những lúc con lang thang trên đường chỉ mong được nhìn thấy hình dáng quen thuộc của cha, thế nhưng ánh mắt, nụ cười, giọng nói mà con ngỡ như quen thuộc ấy lại là của một người đàn ông xa lạ, không phải cha của con. Nếu bây giờ cha còn sống có thể đi được nhiều nơi, vui vẻ chơi đùa với những đứa cháu nội, cháu ngoại, chiều chiều lại ngồi uống rượu, uống nước chè với mấy ông bạn già. Vậy mà mỗi lần con về chỉ có thể nhìn cha qua những khung hình, vui hay buồn con chỉ có thể kể cho cha qua những lá thư viết nhưng lại chẳng một lần được gửi đi.
Con vẫn luôn tự hỏi, tại sao cha hiền như vậy mà ông trời lại để cha đi? Tại sao cha điềm đạm như vậy mà con cứ hay nóng nảy, nói nhiều thế? Tại sao cha làm gì cũng cẩn thận gọn gàng mà con lại cẩu thả và hay quên đến vậy? Rồi còn nhiều điều tại sao nữa mà con cũng muốn có được câu trả lời. Chị em con lúc nào cũng nhớ và tự hào về cha – người đàn ông luôn ở vị trí đặc biệt trong trái tim chúng con.
Những điều con viết ra chẳng phải mong nhận được sự thương cảm của người khác. Những điều con đã nghĩ mãi mãi cha chẳng bao giờ nghe được nhưng muốn ghi lại để cho chúng con (những người sẽ là con dâu, con rể của cha, cho cả những đứa cháu của cha) hiểu và có một phần ký ức về người đàn ông tuyệt vời là cha. Đêm đã khuya nhưng con chẳng thể ngủ được, nước mắt rơi, những kỷ niệm lại ùa về trong đêm tối mênh mang.
Con cúi đầu đứng trong im lặng.
Hạt sương rơi ướt đẫm mộ cha nằm.
Hạt sương trắng cũng dặn mình không lạnh
Từng đêm về ru giấc ngủ cho cha
Dưới đất sâu cha trở mình đỡ mỏi
Gió mưa về ve vuốt giấc thiên thu.
Tôi phải tự mình phấn đấu công danh thì mới cưới được em
Mới cưới mà em đã 2 lần ngượng “đỏ mặt” với nhà chồng
Chồng ngoại tình với cô bạn thân của vợ
Bị chồng coi không bằng gái làng chơi